“Lê la” - một từ ngữ rất đỗi bình dị và chân chất, hai từ nghe sao mà thân thương quen thuộc đến thế! “Lê la” là động từ vốn dĩ rất mông lung, không mang hàm ý tiêu cực hay tích cực, cũng không có mục đích gì ở đây cả, nó chỉ được hiểu một cách đơn giản nhất là đi đến nơi này rồi lại đi đến nơi khác trong một thời gian nhất định nào đó. Và điều đó cũng giống như bản thân tôi, những gì tôi ngắm nhìn Sài Gòn - một đô thị rất đẹp trong mắt tôi - trong một ngày rất đời thường và giản dị, một cách ngẫu hứng, không cầu kỳ cũng chẳng câu nệ.

Ai từng sống ở thành phố này, từng ghé ngang đôi lần, dù ít hay nhiều thì chắc chắn sẽ có trong tim chút nhớ chút thương gì đó rất lạ lùng. Và vì thế, hãy dành ra chút thương nhớ khi cùng tôi “lê la Sài Gòn” nhé!
Báo giấy Sài Gòn 
Ở thành phố này vẫn có những thói quen bị bỏ lại vì không trở mình kịp thời đại nhưng với báo giấy thì khác, báo giấy vẫn ung dung chễm chệ trong lòng thị dân ở thành phố như một thói quen, theo thời gian nó hiên ngang trở thành nét văn hoá không lẫn vào đâu được của Sài Gòn. Chúng len lỏi vào ngóc ngách của thành phố từ bình dân lao động đến trí thức bàn giấy, sẽ không quá khó để một sáng sớm nào đó ở thị thành này ta bắt gặp một tờ báo nóng hổi bên phin cà phê còn bốc khói nhỏ giọt.
Sài Gòn nắng
Người Sài Gòn hay đùa vui với nhau rằng thời tiết nơi đây chỉ có hai mùa, là mùa nắng và mùa rất nắng. Đúng thế! Nắng ở Sài Gòn rất đặc trưng, từ gắt cho tới dịu, chan hoà hay rực rỡ, tuỳ vào tâm trạng mà nắng thích, nắng quyết định, chứ không ai bắt nắng hôm đó phải là sáng chói hay ấm áp được cả. Nắng Sài Gòn thất thường, khó tính nhưng đừng vì thế mà ghét bỏ nắng, vì khi bạn cảm thấy cô đơn không một ai theo đuổi, thì tôi tin chắc rằng sẽ luôn có một người theo chân bạn, là nắng đó.  
Sài Gòn thương
Sài Gòn ôm ấp những người đến từ nơi xa tha phương cầu thực, bao dung cho tất thảy những lầm lỗi xấu xa sinh ra từ lòng phố. Sài Gòn chưa bao giờ đi thật nhanh rồi chối bỏ những phận đời nhỏ bé để khoác lên mình danh nghĩa của một thành phố xa hoa hiện đại. Đâu đó giữa những lần đổi mới của thời cuộc vận thế, vùng đất này vẫn vờ ngủ quên để phận buồn như xích lô ba gác không tủi hổ mà ra đi.
“Tuyệt tác đô thị Sài Gòn”
Nhà thờ Đức Bà từ lâu vốn được tôn vinh là “tuyệt tác đô thị Sài Gòn”. Bởi lẽ nơi đây mang lên mình vẻ đẹp cổ xưa với phong cách kiến trúc Roman pha trộn nghệ thuật Gothic, một vẻ đẹp thời đại với sự hối hả, xô bồ nhưng lắm lúc lại trầm tư, sâu lắng của Sài Gòn. Dù đã trải qua bao nhiêu thời kì biến động và phát triển của đất nước, Nhà thờ Đức Bà vẫn ở đó nhìn ngắm Sài Gòn lớn dần, lặng lẽ chứng kiến những thay đổi lớn nhỏ mà thành phố mang đến. Và cũng vì lẽ đó, Nhà thờ Đức Bà còn được xem là linh hồn của Sài Gòn.
Sài Gòn tấp nập
Chiều tàn ở Sài Gòn, thú vị nhất là khi thành phố lên đèn, mà thú vị hơn cả là những lần chờ đèn đỏ. Tấp nập vì đèn đỏ cũng là một kiểu đặc sản văn hoá ở Sài Gòn. Dù là 2, 3 giây đèn đỏ hay mấy mươi giây đi chăng nữa, thì một chút đèn đỏ ấy cũng đủ kéo ta vào những suy tư mà không khí thành phố đem đến vào mỗi độ hoàng hôn buông.


​​​​​​​

Để mà la cà, lê la hết Sài Gòn trong một ngày đối với tôi là điều không tưởng. Sài Gòn hơn cả một thành phố. Sài Gòn là văn hoá, là hoài niệm, là nhịp sống và là vẻ tấp nập vốn có. Sau cùng, tôi không đơn thuần có một ngày lê la ngắm nhìn Sài Gòn. Hơn cả thế, tôi cảm được nhiều hơn là thấy. Tôi cảm được cái nắng, cảm được cái thương, cảm được cái nhớ và thật sự cảm được những giá trị văn hoá của Sài Gòn.
gafatrabiliousv
Published:

gafatrabiliousv

Published:

Creative Fields