Profilo di Keey .

PACKAGING NGU SAC | VIET NAM

    
    

ẩm thực cung đình huế
----------
          "Tại Huế - việc ăn uống chính là một loại hình văn hoá, nó chia ẩm thực ra làm hai hệ, hệ ẩm thực cung đình và hệ ẩm thực dân gian, bởi nguồn gốc của ẩm thực cung đình cũng chính từ dân gian mà ra."

Ẩm thực cung đình là cách gọi phương thức chế biến món ăn, nguyên lý chế biến, trang trí, phong cách dọn ăn, mời uống và những thói quen ăn uống nói chung của người Huế. Ẩm thực Huế chịu ảnh hưởng từ những luồng văn hoá đến từ các cộng đồng dân cư khác nhau. Những đặc thù tự nhiên xứ sở, nên mang những sắc thái riêng trở thành một phần của văn hóa Huế.
----------
Ẩm thực cung đình chính là những món ăn ngự thiện ngày trước chuyên được chế biến để dâng lên vua. Những món ăn này đều thuộc loại cao lương mỹ vị, được chế biến công phu, cầu kỳ nhằm đạt đến những chuẩn mực cao nhất là vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng và vừa bổ dưỡng. Chính vì vậy các món ăn trong mỗi bữa ăn cung đình không chỉ có bàn tay của người đầu bếp chế biến mà còn có trách nhiệm của viện Thái Y để đảm bảo kết hợp nguyên liệu được hoàn hảo nhất.
----------
Các món ăn cung đình Huế thường cầu kì hơn và có nguyên liệu quý hiếm hơn. Đặc biệt được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là Bát Trân trong ẩm thực cung đình xưa. Bát Trân là 8 món ăn quý hiếm thời xưa chỉ dành cho giới vua quan. Bát Trân là 8 món quý nhất nhưng không phải lúc nào các món ăn trong ẩm thực cung đình cũng đều là những món này. Mà có thể là từ những nguyên liệu thông thường từ dân gian sẵn có, đó là sự giao hòa giữa ẩm thực cung đình và dân gian, tạo nên nét riêng của ẩm thực cung đình Huế.


khởi thủy của bánh ngũ sắc
----------
"Bánh ngũ sắc là một loại bánh có xuất xứ từ Huế, được làm từ bột năng, bột nếp, đậu xanh, đường, các nguyên liệu khác và được ép, đúc thành khuôn, mặt đáy của bánh có khắc các hình chữ Thọ, Phúc, Lộc và gói trong giấy ngũ sắc, dùng trong các dịp lễ hay Tết."


Ý nghĩa về màu sắc
Bánh Ngũ Sắc là loại bánh in được gói trong giấy ngũ sắc có 5 màu là Xanh - Đỏ - Vàng - Trắng - Tím, nó mang ý nghĩa tượng trưng cho ngũ hành trong tự nhiên lần lượt là Mộc - Hỏa - Thổ - Kim  Thùy, Trong Tứ thời ứng với Xuân - Hạ - Giao mùa - Thu - Đông, Trong ngũ thường nho giáo ứng với Nhân - Lễ - Tín -Nghĩa - Trí. Ngoài ra năm màu sắc này cũng chính là năm màu cơ bản trong cảm quan mỹ thuật hội họa của Huế ngày xưa.
----------
Chức năng của bánh 
Bánh in thường được thờ trên bàn thờ tổ tiên ngày cúng tất niên hay để trong các hộp mứt để mời khách ngày Tết, bánh tháp được kết từ nhiều bánh nhỏ dùng cúng Phật. Bánh in còn được sử dụng làm món ăn chơi, uống trà ngày thường.
 ----------
Lịch sử ra đời của bánh in
Theo lời kể của những người già ở làng ngôi làng Kim Long được cho là khởi thủy của bánh in. Bánh in đã có từ thời các vua triều Nguyễn (nhà Nguyễn lúc này đóng đô ở Huế). Lúc ấy gần Tết Nguyên đán, bên chén trà nhạt vua cảm thấy cần có thêm một món để nhắm với trà, vua bèn sai các bô lão ở vùng Kim Long  “Vùng các ngươi vốn sẵn khéo tay, nay ta sai về làm thứ gì đó vừa rẻ lại vừa ngon để ta uống với trà”. 
Các bô lão bàn bạc và đánh giá rằng làng có trồng nhiều đậu xanh, nên kết hợp với đường cát để làm một thứ bánh nhỏ gọn cho vua ăn mà có đủ chất dinh dưỡng và quan trọng nhất là giá rẻ. Sau vài tuần chế biến, thì chiếc bánh đậu xanh được in hình chữ “THỌ” với ý nghĩa chúc vua trường thọ đã ra đời. Vua ăn vào thấy hài lòng, bèn ban thưởng cả làng và ra chiếu chỉ phải lưu giữ nghề cho đến muôn đời sau.
Cho đến nay, nghề làm bánh in ở làng Kim Long đã trải qua nhiều thế hệ. Hiện đã có thêm nhiều thứ bánh khác có tên và hình dáng khác nhau nhưng vẫn một hương vị chủ đạo đó là đậu xanh và đường như bánh hột sen, bánh tháp. Người dân đã kết hợp thêm hương vị mới như nếp, bánh nếp, nếp dừa mè, bánh măng, nếp bột tro đậu xanh, bánh ít đen. Loại bánh in đậu xanh (xưa nhất), người làm phải qua các công đoạn là đãi đậu, nấu đậu, đánh đậu, giã đậu, in bánh, sấy bánh, và phải gói bánh bằng giấy bóng có năm màu sắc thì mới đúng với loại bánh này, một loại bánh mang nhiều giá trị văn hóa và tinh thần.


Nguồn cảm hứng
---------- 
Vào dịp nghỉ Tết 2018, tôi có xem một chương trình trên youtube nói về văn hóa ẩm thực cung đình, trong đó họ có đề cập đến một loại bánh in Ngũ Sắc tại Kim Long của Huế, phóng sự đã phản ánh về một làng bánh dần mai một đi và đang mất dần, hiện tại chỉ còn rất ít hộ làm, do thu nhập bấp bênh vì bánh chưa có thương hiệu nào chính thức. Từ đó tôi chợt nghĩ ra ý tưởng là sẽ xây dựng một thương hiệu bánh in Ngũ Sắc mạng một diện mạo mới của thời đại nhưng vẫn giữ được tính mộc mạc và chân chất của bánh, tạo ra thị trường mới như siêu thị hay thị trường nước ngoài. Thông điệp tôi muốn truyền tải là làm cho bánh in Ngũ Sắc ngày một phát triển hơn, tao ra thương hiệu bánh cung đình để quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước.



câu chuyện thương hiệu
----------
"Nhìn chung thì ẩm thực cung đình hình thành dựa trên hai yếu tố chính. Thứ nhất là do điều kiện tự nhiên đặc biệt tạo nên những món ngon mang nét riêng của Huế. Thứ hai là do chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Nho giáo, những phẩm chất đạo đức, sự khắt khe đã rèn cho người Huế từ nhỏ, giúp họ trở nên khéo léo và tài hoa."
Kết hợp từ ngũ thường trong tư tưởng nho giáo là Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín với bốn mùa Xuân - Hạ - Giao mùa - Thu - Đông trong tự nhiên để tôi sáng tác nên năm câu thơ làm chủ đề chính trong tất cả các thiết kế của thương hiệu bánh in Ngũ Sắc cung đình Huế.

Nhân gian chan chứa lòng nhân ái
Kinh Kỳ xuân sắc tỏa yêu thương
----------
Lễ phép kính trọng người gần xa
Nhàn nhã xuân qua hạ lại về
----------
Nghĩa khí tình sâu đậm tình thâm
Như thu lớp lớp rợp lá vàng
---------
Trí đức vẹn toàn tinh thông lí
Đông sang thanh khiết thoảng hương quê
----------
Tín phụng trăm năm linh hồn Huế
Tiết giao mùa đất phú trời yên


----------
Sự kết hợp
Kết hợp hình tượng năm Linh vật là Công (Khổng Tước), Trâu (Ly Ngưu), Rồng (Long), Nai (Sơn Mã) và Hạc (Hôi Hạc) là năm linh vật đại diện mang bên trong mình năm đức tính để tạo nên một con người quân tử trong ngũ thường. Lấy hình ảnh của bốn họ cây trong bộ tứ quý là Tùng - Cúc - Sen - Mai đại diện cho bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông được gọi là Tứ thời trong tự nhiên. Tất cả các linh vật được lấy ý tưởng từ các con vật trong bộ Cữu Đỉnh bằng đồng của triều Nguyễn
(Nguồn " Đồ đồng thời Nguyễn - Đặng Văn Thắng - Phạm Hữu Công").

Nhân gian chan chứa lòng nhân ái
Kinh Kỳ xuân sắc tỏa yêu thương

----------
Nhân
Ứng với màu xanh trong ngũ thường là “Nhân” mang ý nghĩa về lòng yêu thương với vạn vật. Linh vật được chọn để đại diện là Công (Khổng Tước) mang ý nghĩa đức hạnh, đôi chim Công mang biểu tượng yêu thương, hạnh phúc cho tình yêu nồng thắm.
----------
Mùa Xuân
Màu xanh ứng với hành Mộc, là mùa Xuân trong Tứ thời, đại diện cho mùa Xuân là họ Mai trong Bộ tứ quý 4 mùa.
Mùa xuân là mùa của sự sinh sôi, sự khởi đầu, mùa của sự sum vầy và đoàn viên. Mai tượng trưng cho sự thanh cao, khí tiết người quân tử. 
----------
"Sự kết hợp Công và hoa mai tạo nên một bức tranh mùa xuân, mùa của sự sum vầy, tràn đầy tình yêu thương, lòng nhân ái của vạn vật."
  
 

Lễ phép kính trọng người gần xa
Nhàn nhã xuân qua hạ lại về
----------
Mùa HẠ
Màu đỏ ứng với hành Hỏa, mùa Hạ trong Tứ thời, đại diện mùa Hạ là họ Sen trong Bộ tứ quý 4 mùa. Mùa Hạ là mùa mưa, mùa của sông hồ đầy nước và màu hồng của đất phù sa trên những dòng sông. Mùa của cây sen lớn lên theo nước ngập bát ngát trong hồ, mùa của hoa sen tinh khiết và thanh tao.
----------
LỄ
Ứng với màu đỏ trong ngũ thường là “Lễ” mang ý nghĩa về đạo đức, tính lễ nghĩa trong nho giáo, Cư xử hòa nhã kính trên nhường dưới, lễ phép với mọi người xung quanh. Linh vật chọn làm đại diện ở đây là con trâu Việt Nam, Trâu (Ly Ngưu) là biểu tượng cho sự hiền hòa, gần gũi, thân thiện hòa nhã.
----------
"Sự kết hợp giữa con Trâu Việt Nam với hoa sen mang ý nghĩa về một mùa hạ, thể hiện sự gần gũi, sự hòa nhã, thân thiện. Giống như bản chất của con người Việt Nam thật thà, chân chất và hiền hậu."

   
  
 
Tín phụng trăm năm linh hồn Huế
Tiết giao mùa đất phú trời yên
----------
Giao mùa
Màu vàng ứng với hành Thổ, ứng với giao mùa trong Tứ thời, đại diện cho giao mùa là mây trời là khí tiết chuyển giao giữa bốn mùa với nhau, giúp cho mưa thuận gió hòa, cỏ cây xanh tốt và mùa màng bội thu. Giao mùa là thời khắc chuyển giao giữa mùa này sang qua mùa khác hay quý này sang quý khác, một quý bao gồm ba tháng tương ứng với một mùa, một năm có bốn quý (Tứ quý).
----------
Tín
Ứng với màu xanh trong ngũ thường là chữ  “Tín” mang ý nghĩa về lòng tin của con người với nhau, người xưa rất coi trọng chữ Tín, Đối với Vua thì chữ Tín luôn được đặt lên hàng đầu, lấy làm trung tâm. Linh Vật được chọn đó là Rồng (Long), Rồng là Linh vật đại diện cho Vua - Chúa ngày xưa. Rồng sống được trên cạn, dưới nước và cả trên trời, Rồng là sự giao hòa trong trời đất. 
----------
"Sự kết hợp giữa rồng và đất trời một cách hài hòa, tốt lành. Mang lại cho nhân gian mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi."
  
  
 
Nghĩa khí tình sâu đậm tình thâm
Như thu lớp lớp rợp lá vàng
----------
mùa thu
Màu trắng ứng với hành Kim, mùa Thu trong Tứ thời, đại diện cho mùa Thu là họ Cúc trong Bộ tứ quý 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Hoa Hướng Dương là loại hoa thuộc họ cúc là đại diện cho mùa thu, Họ cúc tượng trưng chí khí quân tử. Hoa cúc tàn nhưng không rụng, nó chỉ gục rũ trên thân của nó thôi. Nó gợi cho ta hình ảnh chết đứng chứ không chết nằm.
----------
Nghĩa
Ứng với màu trắng trong ngũ thường là “Nghĩa” mang ý nghĩa về tình nghĩa giữa người với người, cư xử mọi chuyện công bằng theo lẽ phải. Linh vật được chọn để đại diện là Nai (Sơn Mã). Nai hươu cũng thường gắn liền với các chức quan tòa án, là biểu tượng của sự công bằng và lẽ phải. 
----------
"Sự kết hợp giữa Nai và hoa hướng dương, mang lại một mùa thu đầy ấm cúng, mùa thu cũng là mùa của sự hy vọng, may mắn và thành công."
   
  
 
Trí đức vẹn toàn tinh thông lí
Đông sang thanh khiết thoảng hương quê.
----------
mùa đông
Màu tím ứng với hành Thủy, là mùa đông trong Tứ thời, đại diện cho mùa đông là họ Tùng trong Bộ tứ quý 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Cây Tùng mọc trên núi cao, khô cằn, thiếu nguồn dinh dưỡng. Nó mọc ngay ở những mỏm núi chênh vênh, chịu nhiều sương gió, bão tuyết mà không chết không đổ thể hiện sức sống bền bỉ. Người xưa xem tùng là đại diện cho trăm cây, Tùng đại diện khí tiết có ý nghĩa là bậc trượng phu, đại trượng phu.
----------
Trí
Ứng với màu Tím trong ngũ thường là “Trí” mang ý nghĩa về  sự công bằng, thanh bạch. Linh vật được chọn để đại diện là Hạc (Hôi Hạc) mang ý nghĩa trí đức, biểu tượng của trí tuệ, lí trí, sự thanh cao.

----------
"Sự kết hợp giữa Hạc và Tùng tạo nên một bức tranh mùa đông, mùa của sự  thanh bạch, sự thanh khiết, lí trí và trí tuệ thanh cao."

  
ý nghĩa tên gọi bánh ngũ sắc
----------
bánh cộ / bánh tiến vua / bánh in cung đình / bánh in nướng
ngũ hành / ngũ thường / tứ thời / ngũ quan / cảm quan màu sắc
  
 
phạm vi nghiên cứu
----------
 

 
phác thảo
----------
"Đây là một số nghiên cứu cùng với những bản phác thảo ban đầu cho concept của hệ thống bao bì bánh in Ngũ Sắc."​​​​​​​
   

 
hệ thống thiết kế
----------
"Hệ thống bao bì sản phẩm bao gồm nhiều dòng, nhằm mục đích thuận tiện cho sự lựa chọn và nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và chia làm ba cấp độ bao bì."
----------
Dòng sản phẩm bán lẻ
Đây là dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng hàng ngày, đối tượng hướng tới là giới trẻ, nhằm giúp giới trẻ làm quen với sản phẩm bánh kẹo truyền thống nhiều hơn.
----------
Dòng sản phẩm quà biếu
Đây là dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu cho việc biếu tặng trong các dịp lễ hay đám tiệc.
----------
Dòng sản phẩm quà tết
Đây là dòng sản phẩm cao cấp, phục vụ trong dịp tết cổ truyền, và nó góp phần mang lại cho mọi nhà có một cái tết cổ truyền trở nên ý nghĩa và ấm áp hơn.
  
----------

----------

----------

----------

----------

----------


hệ thống poster
----------​​​​​​​


hệ thống Stationery
----------​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​
  


thông điệp ý nghĩa
----------
  "Với mong muốn giúp cho giới trẻ ngày nay quan tâm nhiều hơn đến bánh kẹo truyền thống, thì việc tạo ra một dòng sản phẩm bánh in Ngũ sắc mang một hơi thở mới của thời đại, mang gía trị và ý nghĩa với yếu tố thẩm mĩ cao, nhằm quảng bá rộng rãi hình ảnh bánh cổ truyền của Việt Nam rộng hơn ở trong và ngoài nước."
----------
Quảng bá hình ảnh bánh ngũ sắc
Ngày nay với sự phát triển của xã hội, nhu cầu của con người ngày càng cao dẫn đến việc các sản phẩm bánh kẹo ngày càng phong phú đa dạng và hiện đại với nhiều mẫu mã và bao bì bắt mắt để thu hút người tiêu dùng. Ngày nay nhiều bạn trẻ hầu như ít quan tâm đến các dòng sản phẩm bánh kẹo truyền thống, những thứ bánh mang đậm giá trị văn hóa tinh thần, dẫn đến việc thị trường bánh kẹo truyền thống ít phát triển mà dần mất đi, cụ thể là bánh in Ngũ sắc tiến Vua ở làng Kim Long ngày một ít hộ theo nghề, quy mô nhỏ lẻ chưa có được thương hiệu, nên việc phát triển sản phẩm còn khó. Với những vấn đề trên thì việc tạo ra một thương hiệu chính thức về bánh in Ngũ Sắc sẽ góp phần nâng cao hình ảnh về thương hiệu bánh Việt Nam rộng rãi ở trong nước và cả nước ngoài. Góp phần tạo ra công ăn việc làm cho người dân làng nghề. Giúp giới trẻ tiếp cận với các dòng sản phẩm mang giá trị truyền thống nhiều hơn.
-----------​​​
Gìn giữ và bảo tồn 
Nhằm lưu giữ một món bánh mang đậm giá trị tinh thần, giá trị về nhân văn của người dân Việt Nam nói chung và người dân Huế nói riêng, việc tạo ra một thương hiệu bao bì mới mẻ mang hơi thở mới của thời đại là việc tất yếu để đưa vào sản phẩm, nhằm nâng tầm chất lượng cũng như đẩy cao giá trị của sản phẩm trên thị trường. Với việc kết hợp giữa ngũ thường trong nho giáo là số 5 với Tứ thời trong tự nhiên là số 4, cộng lại là con số 9. Với quan niệm người xưa thì số 9 là biểu tượng cho sự trường tồn, sự vĩnh cửu và phát triển lâu dài, và đó cũng là thông điệp chính mà tôi muốn truyền tải trong bộ sản phẩm thương hiệu bánh in Ngũ Sắc này, đó là sự giữ gìn, bảo tồn, phát huy một giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, một tinh hoa văn hóa của dân tộc.
----------
Với mong muốn rằng các bạn trẻ nên quan tâm và yêu quý đến sản phẩm bánh kẹo của Việt Nam nhiều hơn, đó là cách làm cho mọi người có thể gián tiếp góp phần nhỏ vào việc gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc.
   
 
FIELDS: cuisine
LOCATION: THUA THIEN HUE
PROJECT: LOGO | BRAND IDENTITY
PACKAGING | ADVERTISING 

----------
Cảm ơn thầy Lii Nguyễn đã đồng hành cùng em trong dự án này ❤
----------
Design: Quốc Cường  |  Cố vấn: Lii Nguyễn
PACKAGING NGU SAC | VIET NAM
Pubblicato: