Quang Vương's profile

Tứ đại kì thư

TỨ ĐẠI KỲ THƯ – TUYỆT TÁC CỦA NỀN VĂN HỌC TRUNG HOA
Trung Quốc được coi là một chiếc nôi lớn với kho tàng văn học cổ điển phong phú của thế giới. Nhắc đến văn học Trung Quốc thì không thể không nhắc đến “Tứ đại kỳ thư”, những tác phẩm không chỉ chứa đựng cả tinh hoa mà là cả những hiện thực của xã hội Trung Quốc qua từng thời kỳ.  Vậy hôm nay chúng ta hãy cùng Hoa Lạc tìm hiểu về “Tứ đại kỳ thư” nhé!
Contents:
1 “Tứ đại kỳ thư” là gì?
1.1 1. Tam quốc diễn nghĩa – La Quán Trung
1.2 2. Thuỷ Hử – Thi Nại Am
1.3 3. Tây Du Ký – Ngô Thừa Ân
1.4 4. Hồng Lâu Mộng – Tào Tuyết Cần 
2 Tổng kết:
“Tứ đại kỳ thư” là gì?
“Tứ đại kỳ thư” bao gồm bốn tác phẩm: Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, Thuỷ Hử của Thi Nại Am, Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân và Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần. “Tứ đại kỳ thư” được xem là niềm tự hào của nền văn học Trung Hoa, khiến cho thế giới phải trầm trồ về sự đồ sộ của các tác phẩm và sức sống mãnh liệt, trường tồn trong dòng chảy thời gian. Không chỉ mang những đặc sắc về nghệ thuật kể chuyện mà “Tứ đại kỳ thư” còn góp phần phản ánh về văn hóa, hiện thực xã hội Trung Quốc sâu sắc.
1. Tam quốc diễn nghĩa – La Quán Trung
Tam Quốc Diễn Nghĩa hay còn được biết đến với tên Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, là một tiểu thuyết về lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ 14. Dựa trên những sự kiện trong thời kỳ hỗn loạn Tam Quốc (220 – 280), theo phương pháp bảy thực ba hư (bảy phần thực ba phần hư cấu), tác phẩm được xem là một trong bốn tác phẩm cổ điển hay nhất của văn học Trung Quốc.

Với những chất liệu từ lịch sử cùng với một giọng văn hùng hồn đậm chất sử thi, tác phẩm cũng đã xây dựng nên một hệ thống nhân vật và cốt truyện hoành tráng. La Quán Trung đã khắc hoạ lên sự căng thẳng của của một cuộc chiến, những chiến lược và còn tạo nên những hình tượng nhân vật sống mang tính biểu tượng. Chính vì thế có thể xem tác phẩm không chỉ là một kiệt tác hiện thực viết về chiến tranh mà còn là một tuyệt tác và những thủ pháp nghệ thuật trong nền văn học của Trung Quốc.
2. Thuỷ Hử – Thi Nại Am
Thuỷ Hử hay Thủy Hử Truyện, nghĩa đen “bến nước”, là một tác phẩm được sáng tác bởi Thi Nại Am. Tác phẩm được dựa trên Đại Tống Tuyên Hòa di sự với cốt truyện chính là sự hình thành của một nhóm người chống đối triều đình mà trở thành giặc cướp, hay còn thường được biết đến với cái tên “108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc”.

Tác phẩm đã tạo dựng nên hình ảnh của những vị anh hùng hảo hán, trượng nghĩa và mang vẻ đẹp của một người dưới tư tưởng Nho giáo. Và một mơ ước của những người dân về một xã hội công bằng lúc bấy giờ.
3. Tây Du Ký – Ngô Thừa Ân
Tây Du Ký là một trong những tác phẩm kinh điển trong Tứ đại kỳ thư gắn liền với rất nhiều thế hệ. Tác phẩm ra đời vào khoảng những năm Gia Tĩnh Vãn Lịch triều Minh (thế kỷ 16).

Dựa trên một sự kiện có thể dưới thời nhà Đường – nhà sư Trần Huyền Trang sang Ấn Độ học đạo, kết hợp với những yếu tố kỳ ảo, Ngô Thừa Ân đã xây dựng lên một hành trình vô cùng khó khăn của bốn thầy trò Đường Tăng trên con đường thỉnh kinh.

Con đường thỉnh kinh cũng chính là con đường tìm đến sự tu tập, hoàn thiện hay cao hơn là giác ngộ. Không chỉ có những mâu thuẫn hay tính hiện thực, Ngô Thừa Ân còn đưa vào đó những chi tiết mang đậm triết lý sâu sắc mà tác giả muốn đưa vào. Vì thế tại sao mà Tây Du Ký vẫn sống mãi với thời gian trong lòng các độc giả ở những độ tuổi khác nhau.
4. Hồng Lâu Mộng – Tào Tuyết Cần 
Hồng lâu mộng còn có tên khác là Thạch đầu kí, được sáng tác trong khoảng thời gian giữa thế kỉ 18 của triều đại nhà Thanh Trung Quốc. 80 hồi đầu do Tào Tuyết Cần viết, 40 hồi sau do Cao Ngạc viết thêm và soạn thành sách từ đó tác phẩm Hồng Lâu Mộng ra đời.

Hồng Lâu Mộng là một bức tranh về sự suy tàn cho hiện thực của xã hội phong kiến. Sự nề nếp, những lễ nghi, hay vẻ ngoài tôn nghiêm cũng không thể che đậy được sự mục nát từ bên trong của Giả phủ. Cuộc sống xa hoa, sự mâu thuẫn và phân biệt giai cấp hay những tư tưởng cố chấp đã dẫn đến rất nhiều bi kịch bất hạnh để rồi Giả phủ cũng đi vào con đường tàn tạ không thể nào cứu vãn được. Tác phẩm cũng là minh chứng tiêu biểu cho cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa nhưng tư tưởng phong kiến lạc hậu và tư tưởng dân chủ sơ khai của con người trong xã hội cũ lúc bấy giờ.

Người Trung Quốc có câu: “Khai đàm bất thuyết Hồng Lâu Mộng độc tận thiên thư diệc uổng nhiên!” (mở miệng mà không nói chuyện Hồng lâu mộng thì đọc hết cả sách vở cũng vô ích) để minh chứng cho sự vĩ đại của tác phẩm. Cho đến tận ngày nay, Hồng Lâu Mộng vẫn được đưa vào công tác giảng dạy, nghiên cứu và có riêng một chuyên ngành Hồng học. Tác phẩm là một niềm tự hào của nền văn học Trung Hoa, không chỉ thế tác phẩm còn là một quyển bách khoa về văn hoá, ẩm thực, kiến trúc, thi ca,… Điều đó cho thấy lý do vì sao Hồng Lâu Mộng lại được giới phê bình văn học và đọc giả quan tâm đến như thế.
Tổng kết:
Nghệ thuật đã vượt qua khỏi sự băng hoại của thời gian để kết nối và gắn liền với hiện thực. Từ đó những tác phẩm nghệ thuật ấy vẫn sẽ sống mãi trong lòng người đọc. Nếu là một người yêu thích tìm hiểu về văn học và văn hoá Trung Quốc, thì “Tứ đại kỳ thư” là bốn quyển sách rất thú vị mà chắc chắn bạn không nên bỏ qua để có thể hiểu hơn về văn hoá lịch sử cũng như là con người Trung Hoa thời ấy!
Tứ đại kì thư
Published:

Tứ đại kì thư

Published:

Creative Fields